Giới Thiệu

Lớp 21H50302 K25 thuộc khoa Công Nghệ Thông Tin, trường đại học Tôn Đức Thắng, Cơ Sở Tân Phong, Quận 7, TPHCM là một lớp học đầy năng động và tiềm năng. Với sự hướng dẫn tận tâm của các giảng viên có kinh nghiệm, học sinh trong lớp này đang có cơ hội được tiếp cận với các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Giáo Viên Chủ Nhiệm: Trần Lương Quốc Đại

Lớp Trưởng: Nguyễn Gia Mỹ

Nhóm Trưởng: Phan Thành Đạt

Nhóm Trưởng: Nguyễn Kiều Thủy Tiên

Nhóm Trưởng: Trần Quốc An

Nhóm Trưởng: Trần Nguyễn Duy Bảo

Nhóm Trưởng: Hoàng Đình Quý Vũ

Bí Thư: Nguyễn Văn Trường

Phó Bí Thư: Trần Quốc An

Uỷ Viên: Lê Trí

Chi Hội Trưởng: Võ Kiến Nam

Chi Hội Phó: Nguyễn Gia Mỹ

Giới Thiệu về khoa CNTT

Khoa Công Nghệ Thông Tin (CNTT) có tiền thân là khoa Toán – Tin ra đời năm 1997 – cùng thời điểm thành lập trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đến ngày 02/03/2012, Khoa được tách ra và đổi tên thành Khoa CNTT đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực Khoa học Máy tính để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển bền vững của xã hội. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Khoa CNTT không những được trang bị khả năng lập trình tốt mà còn được trang bị các kiến thức về phân tích thiết kế hệ thống, quản trị mạng, thiết kế web, quản trị và phát triển các hệ thống thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khoa CNTT đã và đang là một trong những khoa có uy tín về giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Khoa CNTT có nhiều chương trình hợp tác đào tạo với các công ty lớn như IBM, LogiGear, FSOFT nên sinh viên có khả năng thực hành tốt. Chất lượng đào tạo của Khoa được khẳng định với trên 90 % sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn. Nhiều cựu sinh viên của Khoa hiện là những chuyên gia thành đạt, giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp phát triển phần mềm, các công ty có sử dụng hệ thống thông tin như trưởng dự án hay giám đốc kỹ thuật.

Giới thiệu chung về Bộ môn

Bộ môn Khoa học Máy tính (KHMT) phụ trách chuyên môn trong nhiệm vụ đào tạo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc ngành KHMT. Bên cạnh ngành KHMT hệ chuẩn, Khoa CNTT nói chung và bộ môn KHMT nói về khía cạnh chuyên môn còn có nhiệm vụ đào tạo ngành KHMT hệ chất lượng cao.

Song song với đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ môn KHMT chú trọng phát triển nghiên cứu các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phân tích và khai phá tri thức từ dữ liệu.

Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, bộ môn KHMT đã và đang liên kết với các nhà khoa học tại các trường, viện có uy tín trong và ngoài nước để phát triển các nhóm nghiên cứu; liên kết với các công ty hàng đầu ở Việt nam cũng như quốc tế nhằm gắn kết giữa môi trường giáo dục và ứng dụng trong thực tiễn.

Mục tiêu phấn đầu của bộ môn KHMT là cùng với Khoa CNTT đào tạo nguồn nhân lực KHMT chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty hàng đầu tại Việt nam, cũng như đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Đồng thời xây dựng các nhóm nghiên cứu, đạt được nhiều kết quả khoa học ở đẳng cấp quốc tế.

Ngành Khoa học máy tính (Computer Science)

Ngành Khoa học máy tính (KHMT) tại Khoa CNTT, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đào tạo cử nhân KHMT có kiến thức lý thuyết và kỹ thuật tính toán làm nền tảng cho việc thiết kế và phát triển các hệ hống phần mềm máy tính. Sinh viên được học các kiến thức căn bản và chuyên sâu về KHMT mà được lựa chọn một trong hai chuyên ngành: Hệ thống thông tin hoặc Tính toán thông minh.

Đối với kiến thức nền tảng, sinh viên được học các môn toán đại số và giải tích, xác suất thống kê ứng dụng trong CNTT; học các ngôn ngữ lập trình; học phân tích bài toán và các cấu trúc dữ liệu cũng như giải thuật; học các khái niệm và kĩ thuật cơ bản trong mạng và truyền thông máy tính, cơ sở dữ liệu, công nghệ phần mềm; được thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên cũng được đào tạo tiếng Anh, các kiến thức về xã hội nhân văn và các kĩ năng mềm là nền tảng kiến thức chung của sinh viên TDTU.

Sinh viên cũng được đào tạo để phát triển các khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học, các phẩm chất chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức trong cuộc sống cũng như phụng sự xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng tự học, khả năng nghiên cứu khoa học để có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn.  

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc như các lập trình viên phát triển phần mềm; phân tích thiết kế hệ thống; quản trị hệ thống; phát triển các hệ thống phần mềm thông minh. Sinh viên có khả năng làm việc không chỉ cho các công ty Việt nam mà còn cho các công ty có tính chất quốc tế ở Việt nam hoặc ở nước ngoài.

Chuyên ngành Hệ thống thông tin (Information Systems):

Ngày nay, hầu hết các tổ chức nói chung đều sử dụng các phần mềm phục vụ cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ví dụ như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm chăm sóc khách hàng, phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, … Tùy thuộc vào quy mô của tổ chức, số loại phần mềm được sử dụng có thể khác nhau và phân tán về mặt địa lý. Tất cả các phần mềm được sử dụng trong một tổ chức và sự kết nối giữa chúng cấu thành hệ thống thông tin của tổ chức. Các hệ thống thông tin đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức.

Cử nhân KHMT chuyên ngành hệ thống thông tin là người có khả năng phân tích và thiết kế hệ thống thông tin cho tổ chức; triển khai/vận hành và nâng cấp hệ thống thông tin. Phân tích thiết kế hệ thống thông tin là phân tích nhu cầu của tổ chức, và từ đó đưa ra giải pháp phát triển hệ thống một cách phù hợp. Triển khai và vận hành là đưa hệ thống thông tin vào sử dụng, đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống, đảm bảo bảo mật dữ liệu. Sinh viên cũng được đào tạo các kiến thức về phân tích dữ liệu và khai phá tri thức từ dữ liệu.

Học chuyên ngành này sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng của khoa học máy tính, các kiến thức chuyên sâu về phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành, phát triển và nâng cấp hệ thống thông tin. Hơn nữa, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức nghiệp vụ như kiến thức về tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, … nhằm hiểu đúng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc phát triển các hệ thống thông tin.

Chuyên ngành Tính toán thông minh:

Tính toán thông minh là một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống phần mềm có khả năng xử lý thông minh nhờ vào việc học từ kinh nghiệm và dữ liệu. Các hệ thống học máy có khả năng thu nhận tri thức, khả năng suy diễn, khả năng phát hiện tri thức mới. Học máy đã được phát triển và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như hệ thống nhận dạng tiếng nói, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng chữ viết, dịch tự động, tìm kiếm dữ liệu, phân tích tài chính, chẩn đoán y khoa, chơi trò chơi, xe tự hành, các loại rô-bốt. Với sự phát triển nhanh chóng và đạt nhiều thành quả trong hai thập niên qua, học máy hiện là hạt nhân của trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, đóng góp nhiều vào phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong nhiều ngành nghề: công nghệ tự động hóa, sản xuất thiết bị, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính, công nghệ giải trí, quản lý xã hội. Học máy đã và đang trở thành một lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của một xã hội hiện đại, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 (industry 4.0). Với xu hướng phát triển như vậy, cử nhân KHMT là một vị trí việc làm thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao trong thế kỉ 21.

Chuyên ngành Tính toán thông minh đào tạo cho sinh viên các kiến thức về toán học, thống kê học, lập trình và các mô hình học máy từ cơ bản đến nâng cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng ứng dụng các kĩ thuật học máy vào phát triển các phần mềm thông minh phục vụ hầu hết các lãnh vực sản xuất của xã hội, đáp ứng được ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng.

https://it.tdtu.edu.vn/